Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Mùi Tết

Sáng nay xuống phố, thảnh thơi đúng nghĩa và nhàn tản đúng bài cái tự dưng mắc kể chuyện nghe chơi.

Kiếm tách cà phơ đi, để kể cho nghe.

Nhà Tui xưa giờ kinh doanh nhỏ mưu sinh, từ cái sạp của Má (my idol) đã sinh ra vốn, gầy từ mấy cái vựa cho các Anh tới thêm mấy cái sạp khác nữa cho các Chị tự buôn bán đến khi nào lấy chồng, vợ. Má coi đó như hành trang và của hồi môn Má chuẩn bị cho cuộc sống tự lập của các con sau này.

Má gốc tiểu thơ đài cát, con gái của ông chủ thầu nức tiếng xứ Thủ, thời hoàng kim đã từng thầu xây dựng cho sân bay tuốt Sì Gòn lận, còn cái chợ Thủ Thừa thì...khỏi nói. Ông bao sân, he he.

Thời cuộc, hai tiếng tư sản không chỉ đời Má mang nặng mà tương lai của bầy con có theo con đường chữ nghĩa cũng chẳng sáng sủa gì.

Má lấy chồng sớm, rồi con, rồi cái, rồi cơm áo gạo tiền, Má khép lòng lá ngọc cành vàng bước đời xuống làm kẻ chợ trót mưu sinh chốn eo sèo mặt nước buổi đầu đông (tới khúc này cái Nguyễn Khuyến ổng nhập)

Thế nên, tuổi thơ của Tui tới hết 30 là hết Tết, từ lối hăm mấy Tết, nhà đã rộn ràng hàng hàng hóa hóa, mần hết công suất cho hàng Tết.

Thời điểm đó Tui khoái lắm vì toàn ăn cơm hàng cháo chợ bởi Má không có thời giờ mà nấu cơm. Ta nói, hủ tíu, cháo lòng, chả giò, bún thịt ... khoái món nào Má cho tiền ăn món đó, mà thửơ đó với con nít cùng tuổi hủ tíu là cả một nỗi ám ảnh trong cả giấc chiêm bao.

Lớn hơn chút, ngồi chợ phụ Má mà thấy buồn, tủi thân, khi thấy bạn bè, gia đình người ta xúm xít, áo mới xênh xang đi chợ Tết, mà thầm hỏi biết chừng nào mới đi chợ Tết được với Má đây. Cả thời niên thiếu cái ước mơ nhỏ nhoi đó mãi ám ảnh con nhỏ xém chút nữa là tự kỷ luôn.

Thời tem phiếu, thiếu thốn đủ thứ, Tết tới thịt để kho cho có trong nhà đã khó huống chi mà đòi...lạp xưởng.

Nhưng với Má, dường như không có gì là không thể cho con, huống chi nó là ước muốn của đứa gái Út guộc gày bệnh triền miên của Má.

Hăm mấy Tết, Má xách dìa một xâu được gói lá chuối xanh lẫn giấy nhựt trình vàng vàng. Má cười kêu mở ra coi đi.

Má đưa cái xâu đó cho con nhỏ Tui cầm, nhìn Tui háo hức, hấp tấp mở lớp lá xanh rồi tới lớp nhựt trình mà cười như dãn cả đuôi mắt chớm hằn sâu nét tảo tần khuya sớm.

Tui xách mấy sợi dây bàng buộc mấy cái lạp xưởng đỏ hồng, mập tròn, căng bóng, thơm phưng phức - thời đó chưa có dây gân buộc giống như LX 2T như giờ - nhảy tưng tưng, chạy reo hò từ nhà trước tới nhà sau trong niềm vui sướng trẻ thơ được quà khoái khẩu.

Nhưng mà...
Chưa có được ăn liền,

Má nói để cúng Ông Bà trước rồi mới được ăn, nếu không năm sau sẽ không có để mà ăn nữa, Má dặn nhớ coi chừng mấy con mèo cho Má khi Má phơi lạp xưởng ngoài nắng treo ở cao cao.

Lạp xưởng lúc Má đem về có màu đỏ hồng, càng phơi nắng thì màu càng thắm đượm, trong dần của từng sớ thịt, mùi rượu và gia vị ướp cùng thoang thoảng bay ...sang nhà hàng xóm, làm mấy đứa nhỏ cùng xóm cứ xuýt xoa mà ao ước được...cắn ngập răng.

Trước khi ra chợ, Má lấy lạp xưởng treo lên sợi thép, chỗ dùng phơi đồ, nhìn xa xa giống như một bức màn đỏ đón gió, nổi bật rực rỡ giữa một miền mênh mang nắng. Chỗ đó trống trải lại ở trên cao nên tụi mèo, chó không có "mần ăn" gì được, thế nên Má mới yên tâm mà ...giao cho Tui coi chừng.

Trưa xíu, lúc mặt trời cao hơn ngọn sào thì nắng to, mấy chiếc lạp xưởng càng thắm đỏ, căng mẩy, thi thoảng mỡ tươm ra từ lạp xưởng nhỏ xuống nền sân gạch khiến con nhỏ cứ tưởng tượng trong đầu tiếng "xèo" trên than đỏ khi nướng không à.

Đôi khi, vài ba ngọn gió như vô tình, như hữu ý đưa...mùi lạp xưởng sang nhà thằng Tèo răng sún kế bên, khiến nó cứ nằn nì Má nó miết thôi là nằn nì.

Má dặn Mùng Một, cúng cơm Ông Bà xong mới được ăn nên thôi thì, ... đợi chờ là hạnh phúc heng.

Giờ kể cho nghe cái Chợ Thủ Thừa nghen.

Chợ Thủ Thừa (cũ) vào mùa Tết ta nói....là thiên đường trong miền ký ức của con nhỏ Tui, ký ức đó in đậm sâu đến nỗi giờ già chát rồi mà cứ Tết tới là cứ miên man cái mùi... chợ Tết.

Chợ Thủ Thừa tồn tại hơn trăm năm, song song cùng ngôi ĐÌNH VĨNH PHONG ở cuối chợ, đó là ngôi Đình cổ được công nhận di tích 08/1998

Đình là nơi nơi lưu niệm ông Mai Tự Thừa, người đã có công khai cơ lập làng, lập chợ tạo nên sự phồn thịnh của Thị trấn Thủ Thừa ngày nay. Trong lòng người dân Thủ Thừa ông được xem là ông Thần Thổ Công của bến Thủ.

"Khoảng cuối thế kỷ XVIII, ông Mai Tự Thừa đến làng Bình Lương Tây khai khẩn một dây đất 4 mẩu dọc theo kinh Trà Cú (kinh Thủ Thừa) và cất một ngôi quán nhỏ ở bờ kinh để buôn bán.

Do quán của ông ở ngay giáp nước kinh Trà Cú nên ghe thương hồ tụ hội mua bán, trao đổi rất đông, dân cư tìm đến sinh sống ngày một nhiều. Vì thế ông Mai Tự Thừa đã đắp đường, làm bến ghe và lập một cái chợ bằng lá để có nơi mua bán, đó chính là tiền thân chợ Thủ Thừa ngày nay." (*)

Chợ Thủ Thừa nằm dọc theo con kinh Trà Cú (kinh Thủ Thừa) đổ ra sông Vàm Cỏ, chợ buôn bán theo con nước ngày hai buổi lớn ròng, khách thương hồ ghé chợ mang rau củ cây trái từ miệt Tiền Giang, Cái Bè, Vĩnh Long...lên chợ lúc con nước lớn buổi mơi, xong việc khề khà ngơi nghỉ luôn dưới ghe, đợi con nước lên buổi chiều lấy nhu yếu phẩm rồi nhổ sào xuôi dòng kinh Trà Cú tỏa đi muôn hướng mà lênh đênh hồ hải.

Bến chợ Thủ Thừa
...
Lối khoảng từ Hăm Ba tháng Chạp đến Tết, khách thương hồ tấp nập ghé chợ bổ sung hàng hóa để bạn hàng vựa chuẩn bị cho chợ Tết.

Từ chổi quét nhà cho tới gạo, đường, mắm, muối, than, củi, gà qué... từ sớm đến tối ta nói, ghe to xuồng nhỏ ra ra vào vào bến chợ chẳng lúc nào ngơi. Nhà nhà người người ai ai cũng bận thôi là bận, mọi sinh hoạt thường ngày gần như đảo lộn, thức khuya, dậy sớm rất cực nhưng nét cười vui cho một mùa làm ăn bội thu luôn lấp lánh trong từng ánh mắt dân xóm chợ Thủ Thừa, tiếng nói, cười í ới trêu ghẹo, chào hỏi nhau của bạn hàng làm không khí Tết cứ xôn xao rộn rã rần rần hà .

Nếu muốn biết đời sống của cư dân ở một vùng miền có sung túc hay kham khó không gì bằng đi chợ địa phương nơi đó.

Để ý xíu mấy chủng loại hàng hóa, kệ chất hàng đầy ắp hay lèo tèo dăm món, phố chợ bán cả ngày hay chỉ nhóm họp buổi sáng, hàng ăn quán uống đông hay vắng các bà các chị mặc đồ bộ bông xanh bông đỏ đeo vàng như muốn "chọi lỗ đầu" ngồi gác chân "nước lụt" vừa ăn quà vặt vừa tám vụ hụi hàng, hay vụ con nhỏ người mẫu vừa bị quánh ghen trong phim ở buổi chợ xôn xao, đội ngũ xe ôm, chở hàng đầu chợ cuối chợ chạy "qíu giò" hay ngáp dài cafe cờ tướng là biết ít nhiều à.

Dân mần ăn buôn bán đã lâu, chỉ cần vài dòng dạo chợ là biết chợ lớn hay chợ nhỏ mạnh lẻ hay mạnh sỉ cái một à.

Từ lối Hăm lăm Tết chợ bắt đầu thấm đẫm Mùi Tết không chỉ từ các mùi bánh mứt thịt cá, quần áo vải vóc...mà còn đậm hương của Vạn Thọ, Cúc vàng, Ớt kiểng, Thượt Dượt, Mai Trắng ... từng ngày, từng ngày lắp đầy các con đường uốn lượn quanh chợ. Tạo thành một dòng sông hoa đầy mùi hương và màu sắc rạng rỡ, làm bừng nở cả khu chợ quanh năm ồn ã chật chội.

Buổi sáng đi ngang đoạn đường vẫn thấy "một ngày như mọi ngày", buổi chiều trở về bỗng rất ư ngỡ ngàng khi đứng giữa "dòng sông" hoa Vạn Thọ vàng rực trong nắng chiều trải dài miên man, miên man làm mình như "lạc trôi" ngập ngời giữa một miền hương thơm đặc trưng thiêng liêng của Tết.

Bạn đã từng trải qua cảm giác đó chưa? Nếu chưa Tết này dìa Thủ Thừa thử heng.
...
Mùi Tết (3)
...
Trước khi ra chợ, Má lấy lạp xưởng treo lên sợi thép, chỗ dùng phơi đồ, nhìn xa xa giống như một bức màn đỏ đón gió, nổi bật rực rỡ giữa một miền mênh mang nắng. Chỗ đó trống trải lại ở trên cao nên tụi mèo, chó không có "mần ăn" gì được, thế nên Má mới yên tâm mà ...giao cho Tui coi chừng.

Trưa xíu, lúc mặt trời cao hơn ngọn sào thì nắng to, mấy chiếc lạp xưởng càng thắm đỏ, căng mẩy, thi thoảng mỡ tươm ra từ lạp xưởng nhỏ xuống nền sân gạch khiến con nhỏ cứ tưởng tượng trong đầu tiếng "xèo" trên than đỏ khi nướng không à.

Đôi khi, vài ba ngọn gió như vô tình, như hữu ý đưa...mùi lạp xưởng sang nhà thằng Tèo răng sún kế bên, khiến nó cứ nằn nì Má nó miết thôi là nằn nì.
Má dặn Mùng Một, cúng cơm Ông Bà xong mới được ăn nên thôi thì, ... đợi chờ là hạnh phúc heng.

Giờ kể cho nghe cái Chợ Thủ Thừa nghen.

Chợ Thủ Thừa (cũ) vào mùa Tết ta nói....là thiên đường trong miền ký ức của con nhỏ Tui, ký ức đó in đậm sâu đến nỗi giờ già chát rồi mà cứ Tết tới là cứ miên man cái mùi... chợ Tết.

Chợ Thủ Thừa tồn tại hơn trăm năm, song song cùng ngôi ĐÌNH VĨNH PHONG ở cuối chợ, đó là ngôi Đình cổ được công nhận di tích 08/1998

Đình là nơi nơi lưu niệm ông Mai Tự Thừa, người đã có công khai cơ lập làng, lập chợ tạo nên sự phồn thịnh của Thị trấn Thủ Thừa ngày nay. Trong lòng người dân Thủ Thừa ông được xem là ông Thần Thổ Công của bến Thủ.

"Khoảng cuối thế kỷ XVIII, ông Mai Tự Thừa đến làng Bình Lương Tây khai khẩn một dây đất 4 mẩu dọc theo kinh Trà Cú (kinh Thủ Thừa) và cất một ngôi quán nhỏ ở bờ kinh để buôn bán.
Do quán của ông ở ngay giáp nước kinh Trà Cú nên ghe thương hồ tụ hội mua bán, trao đổi rất đông, dân cư tìm đến sinh sống ngày một nhiều. Vì thế ông Mai Tự Thừa đã đắp đường, làm bến ghe và lập một cái chợ bằng lá để có nơi mua bán, đó chính là tiền thân chợ Thủ Thừa ngày nay." (*)

Chợ Thủ Thừa nằm dọc theo con kinh Trà Cú (kinh Thủ Thừa) đổ ra sông Vàm Cỏ, chợ buôn bán theo con nước ngày hai buổi lớn ròng, khách thương hồ ghé chợ mang rau củ cây trái từ miệt Tiền Giang, Cái Bè, Vĩnh Long...lên chợ lúc con nước lớn buổi mơi, xong việc khề khà ngơi nghỉ luôn dưới ghe, đợi con nước lên buổi chiều lấy nhu yếu phẩm rồi nhổ sào xuôi dòng kinh Trà Cú tỏa đi muôn hướng mà lênh đênh hồ hải.

Chợ Ba Mươi Tết

"Chiều Ba Mươi Tết, xa mấy cũng về" không nhớ trong bài nào, nhưng câu hát thay lời bồi hồi của bao người con xa xứ hướng về cố quán, nơi chôn nhau cât rốn trong khoảnh khắc giao thời.

Cả một năm thăng - trầm, được - mất, mải miết theo guồng mưu sinh, Ba Mươi Tết là mốc để người ta cho phép mình lắng lòng nhìn lại, tìm về nơi khởi phát bản ngã của mình mà trầm thân an hưởng sự đầm ấm của thâm tình.

Chợ ngày Ba Mươi Tết cũng vì thế mà mang một sắc màu, không khí rất đặc biệt, không khí chợ ngày Ba Mươi Tết, mỗi năm chỉ có một lần, mà không lần nào giống lần nào.

Bởi, có ai mà hai lần 30 tuổi ??

Chợ Ba Mươi Tết, không hề giảm sự rộn ràng bán mua thường nhật, nhưng sự vội vã, hối hả như bao trùm cuộc bán mua nước rút.

Cũng không thiếu những đôi tay khô gầy tần ngần mãi những tờ giấy tiền mới cứng, mua gì cũng không nỡ, trả gì cũng không đành, bởi đó là tiền mà thằng Tư, con Tám, đứa Út ở xa mới về đưa Má đi chợ Tết, tờ tiền mới chưa có một nếp nhăn nhưng nghe được cả mùi mồ hôi nước mắt xa nhà của tụi nhỏ, khiến Bà Mẹ quê cứ xót lòng chê cái gì cũng mắc mà tới lui quanh chợ mãi không thôi.

Chợ Ba Mươi Tết, mới có nhiều người bán hàng cả năm mới thấy một lần, họ bán toàn những mặt hàng "hot" bên lề chợ, không khó để thấy những lúng túng, ngượng ngùng của thím Bảy đang bán mấy chục gốc Vạn Thọ vừa nhổ hồi sớm trong vườn nhà, sự thẹn thùng e dè dễ thương của cô gái tay cầm nhành Mai rao bán, nét chân chất rổn rảng của Bà Ba bên mấy chục dừa, đôi ba chục trứng còn dính mấy sợi lông vịt trên ổ rơm.

Chỉ ở chợ quê mới được mua mua bán bán cùng họ, và nếu Tết này có đi chợ Tết miệt quê, nếu có làm một "thương vụ" cùng họ, tôi xin Bạn đừng...trả giá, có thể mắc một chút, rẻ một chút nhưng đừng lạnh lùng trong cuộc bán mua với những người cả năm mới có một lần mua bán! Thương còn hổng hết so đo chi mấy đồng mà mất đi cái nét chân phương dễ thương của người quê heng.

Trưa Ba MươiTết, xuồng ghe đã rời bến, hàng hóa đã thôi chất ngất, chợ thưa vắng người lai vãng, hoa chưng đã kém sắc, Dưa Hấu đã "xả hàng", đó đây vài nhà đã thơm mùi hương trầm cho bàn cúng Rước Ông Bà, đó là thời điểm của "Chợ nhà nghèo"

Chợ nhà nghèo là chợ chiều Ba Mươi Tết, ở đó hàng hóa có thể tốt hoặc không, đồ ăn thức uống có thể ngon hoặc dở, hoa có thể tươi hay úa... nhưng chắc chắn là mọi thứ đều rẻ so với buổi sáng. Nếu khéo léo và thêm một chút may mắn, đúng thời điểm, các bà nội trợ dạn dày kinh nghiệm có thể có một cái Tết tươm tất, đủ đầy mà số tiền phải trả có khi rẻ được một nửa.

Chợ Ba Mươi Tết, là chợ "Năm ăn năm thua" nếu món nào đó hút hàng, người ta sẽ cố mua mà không cần quan tâm tới giá, bởi Tết thì phải đủ, phải đầy. Còn không hàng dội chợ, bán nửa giá vẫn lỗ đến ra Giêng chớ chẳng chơi.

Vựa hàng Tết là cả một chiến lược của những tay doanh thương dạn dày kinh nghiệm lăn lộn qua bao năm tháng mưu sinh ở chợ.

Bến chợ Thủ Thừa sau buổi chợ Tết, lúc nào cũng còn nấn ná dăm ba chiếc ghe xuồng neo đậu cạnh bờ để chờ lấy hết tiền hàng cả năm cho vựa gối đầu, bởi dân làm ăn rất ngại chuyện nợ nần mà để qua Tết, đầu năm đầu tháng mà mang nợ thì cả năm mần ăn hổng có hên.

Thế nên, năm nào cũng có ghe về nhà không kịp, phải đón giao thừa trên bến hay đang lúc xuôi dòng mà chạnh lòng cái cảnh đoàn viên.

Đôi dòng nhớ về Chợ Thủ Thừa cũ tấp nập ghe xuồng khi xưa, bến đò và cái cầu treo cũ gần chợ, bây giờ có cái chợ mới xây chà bá, to bự mà lạnh lùng bởi ...vắng ngơ vắng ngắt như chùa Bà Đanh, chợ mới xây không ở cạnh bờ sông, không tiện mua tiện bán nên cứ bỏ không đó cho nắng mưa ghé tám chuyện chớ có bán buôn được gì, dù chợ cũ cứ bị ép uổng, di dời, xua đuổi khỏi cái nơi mà nó tồn tại hơn trăm năm.

Tiểu thương từng ngày cứ phải khổ sở mưu sinh bởi mấy chữ "đô thị hóa" mà "hóa" luôn cái di tích hơn trăm năm. Mỗi ngày mua bán mà cứ như cuộc chiến giữa thời bình, nhọc nhằn đến xa xót.

Có những gia đình có ba bốn đời mần ăn sinh sống ở chợ, con cháu tung mình đi khắp muôn phương năm hết Tết tới lại tranh thủ về sớm đôi ngày để phụ mua mua bán bán tìm lại Mùi Tết khi xưa.

Bao thế hệ sinh ra, lớn lên trên bến chợ, tỏa đi muôn hướng có thành hay bại, được hay mất mỗi dịp trở về vẫn thấy lòng rưng rưng tha thiết với bến quê. Giữ mãi trong lòng một chốn neo đậu nơi quê nhà giữa muôn trùng chòng chành sóng đời xuôi ngược...


Mồng Một Tết, chiếc đũa lạp xưởng thần thánh và con nhỏ mặt chảnh.
Sáng Mồng Một Tết...

Má nấu một mâm cơm để cúng ông bà, và dĩ nhiên trong đó có cái món mà con nhỏ ngóng miết từ bữa giờ "Lạp xưởng lăn nước".

Từ trên bếp khi lạp xưởng bắt đầu cạn nước, đã tỏa mùi thơm ngây ngất, Má vẫn đều tay đảo cho đến khi mỡ tươm ra thơm phưng phức, dậy lên cái mùi đặc trưng khó lẫn vào đâu của lạp xưởng tươi, để cho hơi cháy xém tí, thì đôi chỗ lớp bao ngoài như ươm thêm một màu nâu rán vàng bóng nhẫy, bọc lấy phần lõi hồng hồng bên trong làm con nhỏ cứ ứa nước bọt miết à.

Má để cho hơi nguội , rồi dùng dao thái từng miếng xiên xiên hơi mỏng và dài, xếp lên dĩa nhiều lớp chồng lên nhau, ở giữa đơm thêm ít kiệu trắng, nhìn giống như một đóa hoa Thược Dược đỏ hồng đang bừng nở trên bàn cỗ cúng Gia Tiên, rực rỡ và gợi...thèm, he he.

Con nhỏ được Má cho nguyên một chiếc còn nóng ấm, thơm phức, căng tròn, bóng mượt và hơi hơi ươm vàng đôi chỗ, chiếc lạp xưởng Má để trong chén, có ít cơm trắng nóng hổi, ít xì dầu mằn mặn được dúi vào đôi tay con nhỏ, nó mừng húm bưng chặt chén cơm chạy tót ra hàng hiên mà ăn cho bõ thèm.

Nhưng mà,
con nhỏ chỉ ăn hết phần cơm xung quanh, còn cái chiếc lạp xưởng nó ...để dành nhìn mãi mà không ăn, nó sợ...hết.


Mồng Một Tết, chiếc đũa lạp xưởng thần thánh và con nhỏ mặt chảnh.

Má thấy vậy, mới xuống bếp lấy một chiếc đũa tre, xiên ngang cái lạp xưởng rồi đưa con nhỏ cầm, Má cười cười "ăn vầy ngon hơn nè" mặt con nhỏ hớn hở, cười te tét đầy khoái chí, bởi, với nó cầm cái lạp xưởng vầy oách lắm nha, giống ăn cái món gì bên Tây mà nó thấy trong vô tuyến á, chỉ là thay cái nĩa bằng chiếc đũa thôi.

Kế hiên nhà là hàng rào Mồng Tơi, kế bên hàng rào Mồng Tơi là nhà thằng Tèo sún, kế bên thằng Tèo sún là ...cuốn sách.

Tèo sún là hàng xóm của con nhỏ, Tèo sún học giỏi nhất xóm, Má nó làm cô giáo nên nhà có nhiều sách, ngày nào Tèo sún cũng đọc sách, đọc riết nó bị ...ghiền, được cái đọc xong nó hay kể lại cho con nhỏ nghe. Mà bị gì Tèo sún có cái tật khoái chọc ghẹo con nhỏ nên nó hay thêm bớt mấy chuyện trong sách để hù con nhỏ, con nhỏ từ khi biết được nên hay cãi nhau ghê lắm.

Tỷ như vụ cái hàng rào Mồng Tơi, Tèo sún nói đó là cái Giậu Mồng Tơi, con nhỏ hông chịu nói "cả xóm này có nghe ai nói nó là cái giậu đâu, hàng rào mờ"
Trong sách nói cái giậu - Tèo khinh khỉnh đáp
Hàng rào - Con nhỏ gân cổ cãi
- Giậu
- Hàng rào
- Giậu
- Hàng rào
Cãi qua cãi lại miết, con nhỏ tức quá quát "Đã sún lại còn...lì, đồ khó ưa" rồi quay ngoắt vô nhà, mặc xác thằng Tèo bên cái giậu Mồng Tơi của nó.

Từ bữa đó tới nay, con nhỏ ức lắm, thằng Tèo ỷ đọc nhiều sách, ỷ có Má làm cô giáo, ỷ học giỏi nên ăn hiếp nó hoài, bữa nay nó phải lên mặt mới được.

Con nhỏ cầm chặt chiếc đũa có cái lạp xưởng bên trên, men theo cái hàng rào Mồng Tơi đi qua nhà thằng Tèo, nó huơ huơ.
- Thấy gì hơm ?
- Lạp xưởng hả - Thằng Tèo mắt sáng rỡ
- Chớ sao
- Thơm quá há - Tèo nuốt nước bọt
- Chớ sao
- Một mình mày được nguyên cái luôn ? Tèo tròn mắt
- Chớ sao
Mặt con nhỏ "chảnh lên tới nóc" vênh lên ngất trời, nhìn mặt thằng Tèo buông mấy lời : "Nhà mày có hông ?"
"Má tao đi mua mà hông có" Thằng Tèo bị câu này làm cho mặt xịu xuống.

Làm sao mà có được, thịt vào dịp Tết đã khan hiếm, xếp hàng cả ngày chỉ mua được hơn cân đúng tiêu chuẩn thì lấy đâu ra cái món lạp xưởng cầu kỳ mà bán, Má con nhỏ hùn với mấy Dì trong chợ tự làm rồi chia nhau mỗi người một ít để ăn Tết, chớ có đâu mà mua.

Tèo sún làm sao biết được chuyện này, nên nó nằn nì Má nó bữa giờ mà đâu có được.
Vậy nhà mày ăn Tết cái gì ?
Thịt kho, ăn từ sớm rồi, hôm nay Má tao phải đi trực
- Ủa, vậy mày ở nhà một mình hả ? ?
- Ờ
- Mày ăn cơm chưa?
- Chút nữa tao ăn
- Ăn một mình hả ? Tự dưng cái con nhỏ thấy buồn buồn, nó biết Ba thằng Tèo đi công tác xa không về kịp. Mặt nó từ từ bớt chảnh.
- Ờ - Tiếng thằng Tèo nhỏ xíu.
Con nhỏ thấy mủi lòng, Tết nó có Má ở nhà, cho nó lạp xưởng, cho nó mặc áo mới, cho nó tiền li xì, còn thằng Tèo...
Nó buộc miệng : Hay mày ăn chung lạp xưởng với tao nha, tao cho mày ăn một bên.
...
Tao cắn bên này, mày cắn bên kia heng?
...
Ăn tới chiếc đũa nha, không được cắn qua bên đây của tao à!
...
Tới đây thì thằng Tèo không ngần ngừ nữa, nó gật đầu, rồi nuốt đánh ực.
- Nhưng mà ăn xong nhớ kể chuyện trong sách tao nghe nha!
- Ờ
- Chỉ làm toán nữa
- Ờ
- Cho mượn sách nữa
- Ờ
- Tao nhờ gì cũng làm
- Ờ

Nhìn mặt thằng Tèo thường ngày cứ câng câng, sao hôm nay tự dưng cái "quá dễ dãi" bảo gì cũng nghe khiến con nhỏ chột dạ.

- Hoy, mày hứa đi, hứa giống trong sách á.
- Tao hứa - Tèo đưa ba ngón tay lên cao rồi hô dõng dạc.
Con nhỏ cảm thấy yên tâm hơn nó cười cười rồi nói :
- Tao cắn trước nha, cái nó cắn một miếng rồi vừa lim dim mắt vừa nhai, rùi liếm vòng quanh môi cười hỉ hả
- Thơm quá, tới lượt mày nè

Tới lượt Tèo sún, nó không cắn mà ngoạm một miếng rõ to, nhưng vì răng sún nên nó cắn không đứt hết, thế nên nó cố giật mạnh làm cái lạp xưởng tuột ra khỏi chiếc đũa tre con nhỏ đang cầm, cái lạp xưởng lủng lẳng trên miệng nó.

Con nhỏ bất ngờ, ngơ ngác nhìn cái đũa rồi lại nhìn cái lạp xưởng trên miệng Tèo sún, rồi lại nhìn cái đũa tre, rồi lại nhìn cái lạp xưởng mà nó "dành dụm", tự dưng nó khóc vang dội vì tiếc của.

Tèo sún hết hồn, nhả cái lạp xưởng chưa cắn đứt và dính tùm lum nước bọt của nó ra tay, vừa đưa trả con nhỏ vừa dỗ dành

- Hoy trả mày nè, tao không ăn nữa, đừng khóc, đừng khóc, tại nó thơm quá nên tao muốn cắn miếng bự, chút Má tao về tao xin Má tao tiền lì xì tao mua cái khác.

Con nhỏ thút thít, vừa nhìn cái lạp xưởng nham nhở vừa nhìn mép thằng Tèo.

- Mùng Một rồi, ai bán mà mua, hoy mày ăn hết đi, tao dìa xin Má tao cái khác, với lại dính nước miếng mày rồi tao không ăn đâu, mắc công bị lì giống mày.Hic.

Tèo tần ngần một lát, nó cầm cuốn sách lên đưa con nhỏ. Vậy cho mày mượn nè, trong đây có bài thơ viết cái Giậu Mồng Tơi thiệt nè, tao không có gạt mày đâu.

Con nhỏ cầm cuốn sách, vừa liếc thằng Tèo vừa thút thít đi về vừa nhấm nhẳng - Nhớ kể chuyện tao nghe đó, mày hứa rồi đó, không được quên đó.

Tèo sún nhìn theo bóng áo xanh con nhỏ khuất bên hàng rào, vừa liếm mép vừa đưa cái lạp xưởng lên miệng cắn một phát ...
...ngập răng.



TẾT ĐINH DẬU 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét